Làm Toàn quyền Đông Dương Paul_Doumer

Paul Doumer giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902. Dưới thời Toàn quyền Paul Doumer, chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới.

Paul Doumer là một người mang lại nhiều thay đổi lớn trong chính sách thuộc địa của Pháp. Từ lúc nhậm chức, ông đã đặt guồng máy chính quyền và các cơ sở khai thác kiên cố cho đến năm 1945. Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, chấm dứt chủ quyền và thống nhất của Việt Nam, chia cắt ba miền Việt Nam thành Bắc - Trung - Nam Kỳ để dễ cai trị. Doumer tập trung quyền hành vào chức vụ Toàn quyền, để triều đình nhà Nguyễn đóng cửa Nha Kinh lược sứ Bắc kỳ, giao chức Kinh lược sứ, một chức quan trong triều đình Huế, cho Thống sứ Bắc kỳ lúc bấy giờ là Fourès[2].

Ông tổ chức khai thác triệt để các tài nguyên của các nước trong Liên hiệp Đông Pháp, biến Đông Dương thành một thị trường cho kỹ nghệ và thương mại của thực dân Pháp, và cùng lúc thành lập nơi đây một tiền đồn kinh tế và quân sự vững chắc của thực dân Pháp tại toàn cõi Viễn Đông.

Doumer chính là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc xây tuyến đường sắt xuyên Đông Dương và nối với tỉnh Vân nam của Trung quốc. Ông sốt sắng tới mức báo chí Pháp mỉa mai gọi Doumer và thuộc cấp là "Những người theo chủ nghĩa đường sắt". Toàn quyền Doumer đích thân chỉ đạo quy hoạch, thiết kế và thường xuyên đôn đốc xúc tiến công trình đầy khó khăn kéo dài nhiều năm, tới 1937 mới hoàn thành. Paul Doumer cho mở mang cảng Hải Phòng làm đầu cuối của tuyến đường sắt nối vùng cao Tây Nam Trung Quốc với duyên hải Bắc Bộ Việt Nam.

Ông cho lập một số nhà máy điện. Dưới nhiệm kỳ ông, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên ở Đông Dương có phố xá được chiếu sáng bằng ánh điện (cho dù tới năm 1954, công suất của Nhà máy điện Yên Phụ cũng chưa tới 5000KW). Tên ông được đặt cho một cây cầu ở Hà Nội, ông là người chính thức quyết định xây dựng cầu này, về sau đổi tên là cầu Long Biên. Cầu Long Biên là một công trình lớn (trước 1945 là cầu dài nhất cõi Đông Dương), tạo thêm một nét đặc trưng cho Hà Nội. Ông khuyến khích nhập giống cây cao su, lập nên những đồn điền lớn do người Pháp làm chủ, tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Ông nhanh chóng đồng tình kiến nghị của bác sĩ Yersin, người khám phá ra cao nguyên Langbian, lập thành phố Đà Lạt.[3][4]

Tăng cường bóc lột thuộc địa

Nhìn chung, dưới thời Doumer, hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đông Dương được kiến thiết rất nhiều, nhưng cái giá phải trả là người dân Việt đã phải chịu sưu thuế rất nặng để phục dịch và chu cấp cho việc này. Năm 1897, chỉ trong vài tuần lễ sau khi Doumer nắm quyền, một cơn mưa các loại thuế ập xuống người Việt Nam: Tăng thuế thân và thuế địa ốc, thuế đăng ký sắc phong của các quan, thuế diêm, thuế quế, thuế giấy có đóng dấu, thuế muối, thuế rượu, thuế đi thuyền trên sông, giấy phép đốn gỗ, thuế thuốc lào, thuế cau, thuế củi, thậm chí cả thuế rơm thuế rạ để lợp những căn lều tranh... Sự đau khổ, khốn cùng của người Việt ngày càng trầm trọng thêm.

Dưới thời Doumer, 3 sắc thuế được đẩy mạnh hết mức là thuốc phiện, muối và rượu. Của cải bòn rút từ người dân qua 3 sắc thuế ấy đóng vào ngân sách thuộc địa tăng từ 20 triệu đồng Đông Dương năm 1899 lên 33 triệu năm 1902, rồi vọt lên 42 triệu năm 1911. Ở Trung Kỳ, thuế thân và thuế ruộng đất trước ngày Doumer tới Việt Nam nhậm chức mới là 83.000 đồng, sau đó vọt lên 2 triệu năm 1899 - năm thứ 2 nhiệm kỳ toàn quyền. Ở Bắc Kỳ, 2 sắc thuế ấy cũng tăng nhanh, đạt gần 5 triệu năm 1907. Trong khi đó, mọi loại thuế má người Pháp làm việc tại Đông Dương phải đóng góp vào ngân sách vỏn vẹn có 9.000 đồng[5] Pháp giành độc quyền buôn bán 3 mặt hàng quan trọng nhất là gạo, muốirượu. Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no".

Thuốc phiện là mặt hàng được Pháp công khai buôn bán, khuyến khích người Việt sử dụng chứ không bị cấm như ở chính quốc. Lợi nhuận từ thuốc phiện đã đóng góp tới 25% vào ngân sách của Pháp ở Đông Dương. Tổng ngân sách năm 1905 là 32 triệu đồng Đông Dương, trong số này nguồn thu từ độc quyền bán thuốc phiện là 8,1 triệu. Tính đến năm 1900 thì lợi nhuận Pháp thu được từ thuốc phiện đạt hơn phân nửa số tiền thu nhập của toàn Liên bang Đông Dương.[6]

Về thuế ruộng đất (thuế điền thổ), từ năm 1897, Toàn quyền Đông Dương đã nhiều lần cho điều chỉnh lại theo 4 hạng điền, 6 hạng thổ (đất). Mức thuế chủ yếu là tăng lên, kèm với những khoản phụ thu, nhưng diện tích làm căn cứ tính mẫu, sào lại điều chỉnh giảm xuống. Ví dụ: Theo quy định từ thời Tự Đức (1847-1883), mỗi mẫu Việt nam là 4.970 m2. Năm 1897, ở Bắc kỳ, Pháp quy định mỗi mẫu chỉ có 3.600 m2, vì vậy thuế phải nộp thực tế tăng lên, có khi đến 2-3 lần. Thực dân Pháp và giáo hội Thiên Chúa giáo cũng tăng cường chiếm hữu đất đai để khai thác nông nghiệp. Ở Bắc Kì, tính đến năm 1902, người Pháp đã chiếm hữu 182.000 héc ta đất trong đó có 50.000 héc ta ở các vùng trù phú nhất.[7]

Quân Pháp dưới quyền P. Doumer cũng duy trì các vụ trấn áp, hành hình những người Việt chống đối. Trong bức thư gửi về Pháp ngày 1-1-1898, 1 viên đại úy viết: "Vào hôm sau ngày xảy ra vụ manh động, (quân Pháp) cho chặt và bêu 54 cái đầu. Trong vài ngày tiếp theo, người ta đã hành hình 200 người An Nam, trong số đó có cả những đứa nhóc 14 tuổi, với cái tội là đã làm rối giấc ngủ của những vị quan cai trị của chúng ta… Tất cả những điều này thật đáng nôn mửa"[8]

Việc Doumer năng nổ thúc đẩy công việc xây dựng tại thuộc địa còn nhằm mưu lợi cho cá nhân ông ta. Doumer từng là thành viên HĐQT Tổng Công ty Điện lực Pháp CGE, ông được sự ủng hộ của nhiều tập đoàn công nghiệp và giao thông vận tải, trong số này có Tập đoàn Eiffel cùng nhiều công ty nổi tiếng khác. Việc Doumer quan tâm đến việc mở đường sắt, làm cầu sắt, xây nhà máy điện tại Đông Dương đã giúp kiếm món lợi lớn cho các công ty hậu thuẫn ông ta, rồi đến lượt các ông chủ tư bản Pháp này sẽ lại hậu thuẫn Doumer tăng tiến trên con đường chính trị của ông ta.

Còn nếu nhìn từ góc độ về những đau khổ của người Việt thì sẽ thấy chính sách điều hành của P. Doumer khi xây dựng hệ thống giao thông thực chất chỉ nhằm phục vụ quá trình khai thác thuộc địa của Pháp thuận lợi hơn; việc mở mang các khu đô thị cũng là để thiết lập bộ máy cai trị của Pháp; hoàn toàn không vì lợi ích cho người bản xứ. Tiêu biểu như cầu Long Biên, những người ca tụng P. Doumer nào có biết đến bao nhiêu người Việt Nam đã phải bỏ mạng khi xây dựng cây cầu, như bài vè lưu truyền trong dân gian[9]:

Lập mưu xây được cây cầu - Chế ra cái chụp để mà bơm lênBơm hết nước đến bùn đen - Người chết như rạ, phải len mình vàoVỡ bơm nước lại chảy vào - Chết thì mặc chết, ai nào biết không"

Trên thực tế, P. Doumer đã tạo dựng cơ sở để khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, nước Việt Nam nghèo đói phải oằn mình đóng góp của cải và hàng vạn sinh mạng cho chính sách "rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc, phục vụ chiến thắng của mẫu quốc Pháp"[10]

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã lên án sự tham lam và tàn nhẫn với người dân thuộc địa của Doumer bằng sự châm biếm sâu cay:

Trong cái kho đầy ắp những hình phạt để giáng vào đầu người bản xứ, có những khoản phạt tiền từ 200 đến 3.000 đồng. Không phải ông Đume không biết rằng người An Nam không bao giờ đóng nổi những khoản tiền to đến thế. Nhưng ông ta cứ muốn xoay tiền bằng bất cứ giá nào; nên con người khôn ngoan ấy đã dự kiến rằng có thể bắt làng xã phải chịu trách nhiệm (Điều 4)... Làng nào không biết ngăn ngừa một tội phạm, thì phải chịu trách nhiệm về tội phạm ấy. Cái điều 4 này quả là một mánh khoé ác nghiệt, bởi vì chỉ cần những tay chân của bọn chủ bao thầu thuế - những tay chân đó được thuê tiền để phát giác càng nhiều vụ vi phạm càng hay - khai rằng làng sở tại chẳng hề làm gì để ngăn chặn vụ vi phạm, thế là đủ (để cả làng phải chịu phạt tiền).